Đường đến HCV giải Thanh Tâm:
Bạch Tuyết đã trở thành một tên gọi
thân quen đối với công chúng yêu nghệ thuật. Năm 1963 đánh dấu một bước ngoặt
quan trọng trong cuộc đời của chị, đó là năm chị đoạt HCV giải Thanh Tâm và 2
năm sau là HCV xuất sắc.
Cho đến nay, dẫu đời sống của sân
khấu cải lương có thăng trầm, dâu bể, chị vẫn luôn tỏa sáng mỗi khi xuất hiện
trên sân khấu. Không dừng lại ở những vai diễn, chị đã sang Bulgaria học khóa
đạo diễn (bậc đại học), rồi tốt nghiệp tiến sĩ sân khấu tại London (Anh Quốc).
Chị vừa dàn dựng xong tác phẩm thứ sáu mang tên Trần Nhân Tông (tác giả Lê Duy
Hạnh) cho Nhà hát Cải lương Trung ương và sắp tới một chương trình live show
với chủ đề Tự tình quê hương – Cải lương chi bảo Bạch Tuyết sẽ được tổ chức tại
Nhà hát TPHCM.
Tuổi thơ mất mẹ:
Quê nội của nghệ sĩ Bạch Tuyết ở
Châu Đốc, nơi có làng Khánh Bình, huyện An Khánh. Nơi đây có một nhánh sông
quan trọng gọi là Bắc Đay (tiếng Khmer có nghĩa là cùi chỏ, cánh tay co lại).
Thân phụ của chị gốc nông dân, khi trưởng thành đã cảm thấy khó sống ở quê nhà
nên thử sang Campuchia học nghề thợ máy, sau 8 tháng ông đã là thợ máy có tiếng
vững tay nghề, làm việc tại hãng Jean Comte – một chi nhánh lớn của loại xe máy
Peugeot nằm ở Sài Gòn.
Gia đình chị thuộc hàng nho giáo
khoa bảng, tính từ thời ông cố, đến ông nội đều được người dân trong làng kính
nể. Năm 8 tuổi, lứa tuổi hồn nhiên vô tư như bao cô bé ở nông thôn, Bạch Tuyết
đã được cha đưa lên Sài Gòn lập nghiệp. Năm 1955, sau khi Hiệp định Geneve được
ký kết, lính, cảnh sát quốc gia dày đặc ở Sài Gòn. Vào một buổi tối như số mệnh
đã sắp đặt, ba chị chẳng bao giờ đi xem xinê, thì được một người bạn tặng vé
mời đi xem phim mới.
Ba chị rủ mẹ, nhưng bà không đi mà
muốn đến thăm một người bạn gái. Nhưng có ai ngờ người bạn gái của mẹ chị cũng
vắng nhà để đến rạp xem hát bội. Thế là mẹ chị băng qua đường trở về nhà. Đoạn
đường Nguyễn Văn Cừ thời đó khá đông xe jeep của cảnh sát và lính quốc gia, họ
chạy xe với tốc độ rất nhanh. Một chiếc xe đã tông vào mẹ chị. Tai nạn giao
thông đêm đó đã cướp đi người mẹ thân yêu của chị. Chị kể trong nỗi buồn xa
xăm: “Mẹ tôi là người phụ nữ hiền lành, đức hạnh. Tôi không quên được buổi
chiều hôm ấy trong bệnh viện, mẹ tôi nằm yên lặng. Tai nạn giao thông đã làm mẹ
tôi bị dập phổi, bể tim.
Gương mặt mẹ tôi lúc đó xanh xao
nhưng bà vẫn thều thào nói với chị em tôi: “Hai con ở lại phải biết thương yêu
nhau, đừng để người ta nguyền rủa là con chết mẹ”. Lời trăn trối đó đã theo tôi
cho đến bây giờ. Lúc còn ở bên mẹ, bà vẫn luôn mơ ước lớn lên tôi sẽ học làm
luật sư, đem kiến thức giúp người hoạn nạn. Sau đám tang của mẹ, ba tôi đi làm
ăn xa ở tận biên giới Lào - Campuchia. Ba gởi chị em tôi vào trường dòng, nhờ
các sơ chăm sóc. Tính chị tôi giống mẹ, sống khép kín, thụ động, còn tôi thì
ngoài giờ học là tham gia các lãnh vực khác, tính hiếu động đã giúp tôi làm
quen với cuộc sống tự lập. Tám tuổi mà tôi đã có những suy nghĩ của một người
lớn, rằng không có mẹ bên cạnh hãy biết chăm sóc mình và an ủi mình bằng việc
học.
Tôi lớn lên trong sự khắt khe của
chính mình. Vì không ai có thể tưởng tượng nỗi đau mất mẹ của một đứa con gái 8
tuổi. Tôi đã mất đi điều gì đó thiêng liêng, gần gũi. Chỉ sau một đêm mẹ tôi bị
tai nạn, tôi như người rơi từ trên cao, nơi có mái ấm hạnh phúc xuống địa ngục
tăm tối”.
16 tuổi vào nghề trong gian khó:
Trong trường dòng, với số tiền chu
cấp ít ỏi của cha, Bạch Tuyết chỉ dám mơ một ngày gia đình mình thoát khỏi cảnh
thiếu thốn. Năm Bạch Tuyết học hết trung học đệ nhất cấp, ba chị đưa chị ra học
bên ngoài để làm quen với xã hội. Chị kết thân với một cô bạn có người cha là
nhạc sĩ đờn ca tài tử nổi tiếng, đó là ông Ba Luông. Nhờ vậy mà chị biết thế
nào là một bài bản cải lương.
Ngoài nhạc sĩ Ba Luông, còn có nhạc
sĩ Chân Vân là những danh cầm nổi tiếng. Hai ông nghe Bạch Tuyết hát đã nhận
xét chị có năng khiếu và sẽ tiến xa nếu theo nghiệp hát. Nhưng chị nghe lời
cha, vẫn lo đèn sách. Những giờ nghỉ giải lao ở Trường trung học Nguyễn Bá Tòng
(THPT Bùi Thị Xuân ngày nay), chị thường lấy giấy vẽ hình các nghệ sĩ.
Chị thích gương mặt bầu bĩnh, dễ
thương của Thẩm Thúy Hằng, nét sầu mộng của Út Bạch Lan... rồi có lần chị vào
rạp Nguyễn Văn Hảo xin hình nghệ sĩ Thanh Nga. Nhưng chưa bao giờ chị nghĩ có
ngày mình lại được sánh bước bên những nghệ sĩ đàn chị mà mình ngưỡng mộ. Rồi
chị được nhận vào ban nhạc tài tử của nhạc sĩ Vũy Chỗ, được tham gia chương
trình phát thanh và được báo chí nhắc tên.
Đó là năm chị 16 tuổi, được soạn giả
Điêu Huyền tìm đến nhà ngỏ ý xin ba chị cho chị theo nghề hát. Ban đầu ba chị
từ chối vì định kiến “con gái theo nghề hát xướng là cầm bằng mất đi”. Quan
niệm khắt khe đó đã suýt giết chết ước mơ của chị. Nhưng chị xin cha: “Ba cho
con vào đoàn hát, nếu thành công con sẽ quay về với gia đình, còn thất bại con
sẽ kết liễu đời mình, không làm hổ danh gia đình”.
Chị vào đoàn hát, được cha nuôi là
soạn giả Điêu Huyền dạy dỗ. Một bước lên đóng vai đào chính, có mặt trong ba vở
nổi tiếng: Suối mưa rền áo cưới, Kiếp chồng chung và Lá thắm chỉ hồng. Ngoài
soạn giả Điêu Huyền, chị còn được nghệ nhân Tiêu Sáng dạy cách đi đứng, biểu
diễn trên sân khấu sao cho đẹp. Không khí tập dượt và biểu diễn nhanh chóng trở
thành môi trường quen thuộc với chị. Hơn hết là nghĩa tình sâu đậm của người
làm cải lương.
Chị kể: “Ba Điêu Huyền rất tin dị
đoan, ba bảo để tìm một cô đào sáng đẹp, có đạo đức sắm tuồng đêm hát đầu tiên
để tôi được hưởng cái duyên của người đó. Ba chọn chị Cẩm Hồng (vợ trước của cố
nghệ sĩ Tấn Đạt – ba ca sĩ Hà My). Chị là người có gương mặt sáng, mũi cao, mắt
to đen huyền, sống rất chí tình, chí nghĩa. Lạ một điều chị toàn đóng vai đào
độc. Chị đã trang điểm cho tôi, biến con bé nhút nhát thành một cô diễn viên
trẻ sáng đẹp như chị.
Tôi ở Kiên Giang hát được hơn hai
năm, khi đoàn cải lương Thống Nhất của cậu mười Út Trà Ôn ra đời, tôi được mời
về biểu diễn. Phải nói là tôi đã “gồng sức” để có thể dám đứng chung sân khấu
với các tài danh thời đó. Gian khó và vất vả lắm. Một vở tuồng chúng tôi tập 6
tháng, một lớp diễn có khi tập một tuần vẫn chưa được các bác, các cô hài lòng.
Vậy mà chẳng một diễn viên trẻ nào dám hó hé. May mắn đã cho tôi thử sức với
vai chính trong vở Tàn một kiếp hoa và vinh dự đón nhận HCV triển vọng giải
Thanh Tâm năm 1963 cùng với anh Diệp Lang.
Năm 1965, phần thưởng cao quý đầu
đời diễn viên trẻ đã kích thích tôi phấn đấu không nghỉ để gặt hái thành công
mới, tôi đoạt thêm HCV xuất sắc giải Thanh Tâm với vở Nỗi buồn con gái của Hà
Triều - Hoa Phượng. Những gian truân trong nghề chỉ có người nghệ sĩ mới hiểu,
mới thấu. Tôi không bao giờ giấu cái dốt, cái ngu, nó ví như mặt sông mênh mông
mà những người đi trước mới biết đâu là ghềnh, thác để hướng dẫn người đi sau
né tránh”.
Khóc cho kiếp người trầm luân:
NSƯT Ngọc Giàu nhận định về thành
công của Bạch Tuyết: “Bạch Tuyết làm những điều mà người khác không dám làm”.
Câu nói hàm ý như một sự ngông cuồng trong sáng tạo, nhưng với Bạch Tuyết đó là
sự thật
Giữa lúc vinh quang tột đỉnh, bản
thân nghệ sĩ trong thế giới màn nhung đã gặp không ít sự cố. NSƯT Bạch Tuyết
cũng không thoát khỏi sự truân chuyên mà theo chị, đó là vốn sống cần thiết để
chị trưởng thành và biết chia sẻ hơn với người đời.
Nỗi niềm với cô gái điếm:
Chị kể trong niềm xúc động: “Năm 18
tuổi, tôi đã là người thành đạt. Tôi có nhà lầu, xe hơi, được chiều chuộng,
nâng niu. Thành công đến với tôi quá sớm cũng là lúc tôi nhận ra mình rất cô
đơn. Về chuyện tình cảm, tôi không bao giờ thất tình với một ai, chỉ có người
khác thất tình vì tôi. Lúc đó nhà tôi ở đường Trần Hưng Đạo, tôi đã xin ba cho
ra ở nhà thuê cùng một cô giúp việc, khi tôi được cậu Mười Út Trà Ôn mời về
đoàn Thống Nhất. Tính tôi sau khi vãn hát thích đi bộ về nhà.
Tôi thường để xe gắn máy ở rạp hát.
Trên đường về, tôi gặp một cô gái điếm bị một tên côn đồ sau khi chơi trò xác
thịt đã giựt bóp tiền của cô và đánh cô trọng thương. Tôi đã kịp thời can ngăn
và đưa cô gái vào bệnh viện. Đêm đó cô mất 70 đồng và tôi đã tặng cô 200 đồng
(1/3 số tiền thù lao của một suất hát mà tôi được lãnh). Đến 3 giờ sáng tôi mới
về nhà, lòng nặng đau một nỗi buồn về tình đời. Tôi nghĩ sao người ta có thể
sống thô bạo đến như vậy. Tôi thấy mình bất lực quá, tại sao không đủ sức mạnh
đánh trả tên côn đồ mất nhân tính kia.
Vậy là tôi tuyệt vọng, lấy lưỡi lam
cắt tay mình định chọn một lối thoát. Từ nhỏ, tôi đã có ý hướng đi tu, vì không
muốn nhìn thấy cảnh đời bon chen, hằn học, chà đạp lên nhau và cảnh cô gái điếm
bị ức hiếp là nỗi đau mà tôi không chịu đựng được. Đêm hôm đó, tình cờ một cô
bạn trong nghề hát ghé đến mượn tôi chiếc áo dài để đi đám cưới ở dưới quê, bấm
chuông kêu cửa mà tôi chẳng mở. Cô giúp việc đã về nhà từ xế chiều, bạn tôi đoán
biết chuyện chẳng lành đã chạy tìm cảnh sát.
Khi tôi được đưa vào Bệnh viện Sài
Gòn cấp cứu, tôi linh cảm như nhìn thấy hình ảnh của mẹ mình. Tôi được đặt nằm
đúng trên chiếc giường mà mẹ tôi đã nằm trước khi trút hơi thở cuối cùng. Thế
giới tâm linh mách bảo tôi biết, mẹ tôi đã xui khiến cô bạn gái tôi tới đúng
lúc. Chuyện tự vẫn chính xác là như vậy, mà báo chí Sài Gòn thời đó thổi tung
những hàng tít: “Bạch Tuyết tự tử vì tình”, “Cô đào trẻ chán sống”..., rồi một
thời gian sau lại đăng “Bạch Tuyết giả vờ tạo xì căng đan để đánh bóng tên
tuổi”. Ban đầu tôi phản ứng vì bức xúc, nhưng riết rồi quen và lắc đầu từ chối
những cuộc phỏng vấn vô bổ”.
Thành công với những vai bất hạnh:
Có lẽ bản tính luôn hướng tới cộng
đồng đã giúp cho nghệ sĩ Bạch Tuyết có được sự chia sẻ, an ủi dành cho những
người gặp hoàn cảnh bất hạnh. Vì thế mà khi chị về đoàn Dạ Lý Hương, đoàn hát
chuyên dựng những kịch bản mang hơi thở cuộc sống, chị đã thành công với các
nhân vật phụ nữ gặp nhiều bất hạnh trong xã hội cũ như gái bán bar, gái nhảy,
gái mại dâm... và cả những số phận phụ nữ nông thôn lầm lạc, bị ép lên Sài Gòn
“buôn hương bán phấn”.
Cái tên “cải lương chi bảo Bạch
Tuyết” là do soạn giả Hoa Phượng đặt. Đó là cái đêm ông xem xong vở Xe cát biển
đông mà Bạch Tuyết đóng vai chính tại rạp Quốc Thanh, ông đã nói với soạn giả
Kiên Giang: “Bạch Tuyết là cải lương chi bảo, cô này có biệt tài sáng tạo và
thông minh, còn tiến xa nữa nếu diễn những vai khó hơn”. Và quả thật không sai,
hàng loạt những tác phẩm sân khấu thuộc thương hiệu Hà Triều - Hoa Phượng thời
đó đã đóng dấu danh hiệu cải lương chi bảo với nhiều vai diễn để đời: Lê Thị
Trường An (Tuyệt tình ca), Diệu (Nửa đời hương phấn), Tần (Nỗi buồn con gái),
Thanh (Thảm kịch tuổi xanh)... Chị có nhiều bạn diễn, xứng đôi nhất vẫn là với
nghệ sĩ Hùng Cường, rồi Thành Được, sau này là Thanh Sang, Thanh Tuấn, Minh
Phụng, Tấn Tài, Minh Cảnh, Minh Vương, Tuấn Thanh, Thanh Tú... Thời trang chị
sử dụng, mùi nước hoa chị xài, mắt kính mới chị chọn đều trở thành mốt của giới
trẻ thời đó. Chị nổi tiếng trên sân khấu Dạ Lý Hương với cơn lốc “thế hệ mới”,
diễn “thật và đẹp” theo trường phái của NSND Năm Châu. Tiết tấu cải lương qua
cách diễn của chị như nhanh hơn, thoáng hơn và sinh động hơn. Một lần, NSƯT
Ngọc Giàu khi nhận định về thành công của Bạch Tuyết đã nói: “Bạch Tuyết làm
những điều mà người khác không dám làm”. Câu nói hàm ý như một sự ngông cuồng
trong sáng tạo, nhưng với Bạch Tuyết đó là sự thật. Vì chỉ có chị mới dám nghĩ
ra cách diễn xuất cải lương với cái gu thẩm mỹ hiện đại. Chị không sắm tuồng
lòe loẹt, không ăn mặc màu mè, nhân vật rất gần gũi với người xem. Chị cười:
“Có lẽ số phận tôi vào nghề gian khó quá nên tôi chẳng còn nhút nhát khi quyết
định thực hiện những điều táo bạo”.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết đã thực sự tỏa
sáng khi về công tác tại Nhà hát Trần Hữu Trang với các vai: Kiều Nguyệt Nga,
Thái hậu Dương Vân Nga... Sau này UNESCO mời đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang lưu
diễn tại các nước Tây Âu, Đoàn 284 thời đó có chị, NSND Diệp Lang, NSƯT Thanh
Tòng, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Hải, NSND Lương Đống... đã thực
hiện xuất sắc sứ mạng “đem chuông đi đánh xứ người”. Nhắc đến giai đoạn này,
chị vẫn không quên sự mến mộ của công chúng cải lương dành cho vai cô Lựu (Đời
cô Lựu) mà có thể nói sau NSND Phùng Há, chị là nữ nghệ sĩ đã kế thừa sáng tạo
đầy bản lĩnh.
Cải lương không thể thiếu tri thức:
Tôi hiểu rõ hơn cải lương ở thời đại
nào vẫn phải sống với những ý nghĩa cao đẹp, đó là bám sát “trung, hiếu, tiết,
nghĩa”, ca ngợi lịch sử dân tộc và phản ánh những điều bình dị. Nếu cứ bắt cải
lương chở nhiều thứ tư tưởng quá thì có gì để gọi là hấp dẫn.
NS Bạch Tuyết chú tâm vào việc học
vì sự “khích tướng” của chồng– một người chồng mà theo lời chị tâm sự: “Tôi rất
ngưỡng mộ và kính trọng. Anh ấy là một doanh nghiệp thành đạt với hai bằng tiến
sĩ kinh tế ở Pháp và Hà Lan. Chính anh ấy đã nói thẳng với tôi: “Cô là người có
tên tuổi trong lòng công chúng nhưng trình độ chưa xứng đáng với tên tuổi của
cô”.
Tiến sĩ đầu tiên trên sân khấu cải
lương:
Lần gặp đầu tiên cũng là lần ông xã
chị nói thẳng với chị điều đó, anh còn thòng thêm một câu nhức nhối: “Đó là bi
kịch của người nghệ sĩ, tôi rất muốn tạo điều kiện để cô lấp đầy khoảng trống
kiến thức của một người nổi tiếng”. Chị đã đau điếng như người bị xúc phạm,
song ngẫm nghĩ lại thấy anh ấy là người trung thực. Bởi từ sau lời nhận xét đó,
chị nhìn rõ hơn về mình, để nỗ lực vươn tới “hình dáng” của một nghệ sĩ trí
thức.
Chị kể: “Năm 1988, tôi được Nhà nước
phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, cũng năm này tôi tốt nghiệp khoa đạo diễn ở
Viện Hàn lâm Sân khấu và Điện ảnh tại Sofia – Bulgaria. Về nước, tôi tiếp tục
phấn đấu không ngừng, lao vào việc học để 7 năm sau (1995) tôi bảo vệ luận án
tiến sĩ với đề tài Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền ở
các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả ở thế kỷ
21 (lễ bảo vệ luận án do hai đơn vị: Viện Hàn lâm Phim ảnh Sofia – Bulgaria và
Viện Hàn lâm Hoàng gia Kịch nghệ Anh Quốc tổ chức). Dù đã từng biểu diễn hơn
400 vở cải lương trên sân khấu, phim vidéo và đi biểu diễn ở nhiều nước như:
Anh, Pháp, Đức, Úc, Tây Ban Nha, Miến Điện, Ấn Độ, Thái Lan... nhưng tôi vẫn
thấy mình bé nhỏ trong việc học, nhất là học về nghề và về đạo Phật. Tôi hiểu
rõ hơn cải lương ở thời đại nào vẫn phải sống với những ý nghĩa cao đẹp, đó là
bám sát “trung, hiếu, tiết, nghĩa”, ca ngợi lịch sử dân tộc và phản ánh những
điều bình dị. Nếu cứ bắt cải lương chở nhiều thứ tư tưởng quá, những điều mà
người xem đã đọc, nghe, nhìn thấy hằng ngày qua các phương tiện thông tin đại
chúng, thì có gì để gọi là hấp dẫn. Ví như lúc tôi vào nghề, các nghệ nhân lúc
quyết định truyền đạt kinh nghiệm vẫn thường ngắm giò, ngắm cẳng và ngắm cả đạo
đức, tính tình, xem con bé này có biết kính trên, nhường dưới, có biết yêu
thương cộng đồng hay chỉ bo bo danh phận. Chính vì thế, nếu hiểu rõ về cải
lương thì mới có được những quyết định sáng suốt mà giữ cải lương”.
Có lẽ xuất phát từ ý nghĩa đó, chị
đã cùng với NSƯT Kim Cương, Kim Cúc sang Bulgaria học đại học đạo diễn và bảo
vệ luận án tiến sĩ ở tuổi 45. Về nước, chị đã tạo được ấn tượng khi thể hiện
những kịch bản độc diễn của nhà viết kịch Lê Duy Hạnh như: Diễn kịch một mình,
Hoàng hậu hai vua, Độc thoại đêm. Và vở diễn thứ sáu do chị dàn dựng sẽ ra mắt
khán giả thủ đô Hà Nội vào tháng 8 này, sau đó tham gia Liên hoan Sân khấu Quốc
tế 2006 dưới “thương hiệu” Nhà hát Cải lương Việt Nam. Sự kiện Bạch Tuyết ra
Bắc làm đạo diễn đã khiến cả giới nghệ sĩ trong Nam sửng sốt, người ác miệng
bảo chị “mon men ra Hà Nội để chạy chọt việc được đề cử NSND”, người hài lòng
như NSƯT Vũ Linh thì bảo: “Chị Ba có bao giờ chịu ngồi yên”. Lớp con cháu nối
nghiệp chị như: Vũ Luân, Kim Tiểu Long, Quế Trân, Tú Sương bảo: “Cô Ba vẫn là
người đầu tàu, nối liền cải lương Nam - Bắc”. Trong thời gian này, chị dạy học
tại lớp tập huấn diễn viên do Cục Nghệ thuật Biểu diễn Bộ VHTT tổ chức tại
Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM, chị vẫn thường nhắc đến ước mơ có được
một sân khấu cải lương hiện đại, gần với thế giới để xứng danh là “nghệ thuật
dân tộc cần được trọng thị”. Vở Trần Nhân Tông (tác giả Lê Duy Hạnh) cũng sẽ
được chọn ra một lớp hay nhất để ba thế hệ nghệ sĩ sẽ có mặt bên chị trong đêm
live show tổ chức tại Nhà hát TP.
Ăn chay trường và nghiên cứu Phật học:
Từ sau sự kiện gia đình chị phải bán
biệt thự trên đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) để thanh toán nợ nần những
kế hoạch làm kinh tế không thành, dư luận trong giới đã bàn tán xôn xao về
chuyện... “Bạch Tuyết bây giờ nghèo lắm”. Nhưng chị không than trách những điều
tiếng không hay đó ngoài việc chú tâm cho việc học. Chị dọn về khu đô thị mới
trên đường Lê Lợi, quận Gò Vấp, ngôi nhà đơn giản, ngăn nắp, có hẳn một thư
viện và phòng thờ cúng Phật. Chị lấy việc sáng tác kịch bản, nghiên cứu Phật
pháp và làm từ thiện như niềm vui ở tuổi về chiều. Điều khiến chị lạc quan là
sức khỏe của chị rất ổn định. Mỗi ngày chị ngồi thiền một giờ.
Chị cho biết: “Tôi ăn chay trường,
quen sống giản dị. Bí quyết để tránh khỏi những cơn nóng giận sân si là ngồi
thiền và nghiên cứu Phật học. Tôi nghĩ khi tuổi tác không còn trẻ, mình phải
giảm bớt thời gian ca diễn để tập trung cho việc biên soạn các tác phẩm cải lương
mà tôi thích. Tôi đã chuyển thể kinh Phật thành trường ca vọng cổ mà đạo diễn
Phượng Hoàng đã dàn dựng để tôi cùng ca với Lệ Thủy. Tôi cũng lao vào việc sáng
tác kịch bản, được dàn dựng vidéo cải lương, được khán giả kiều bào và trong
nước đón nhận với bút danh Nguyễn Thị Khánh An (tên của quê hương tôi): Đài
Trang, Nguyệt Khuyết, Dung Lệ... và hàng trăm bài vọng cổ, tân cổ giao duyên.
Tôi cũng có một thời gian mê hội họa, mê sáng tác nhạc, làm thơ. Đối với tôi,
tất cả những công việc đó là để nâng cao kiến thức, để mình được thêm nhiều
hiểu biết. Làm công tác từ thiện thật sự là một niềm hạnh phúc vì mình được góp
phần trả nợ cho cuộc đời. Tôi thường đến thăm các em ở các trường mồ côi,
khuyết tật. Có lẽ tôi là một đứa bé mồ côi mẹ từ nhỏ nên tôi dễ dàng đồng cảm
với các em. Vả lại tôi thấy mình nợ cuộc sống này quá nhiều thứ: nghề nghiệp,
con cái, tri thức, tình yêu và hạnh phúc trong lòng khán giả..., tôi phải làm
những điều đó để chia sẻ với những người kém may mắn. Qua chương trình này, tôi
muốn tri ân tình thương của thầy cô đã dành cho mình, đó là ba Năm Châu, má Bảy
Phùng Há, cô Hai Kim Cúc, ba Điêu Huyền... những người đã làm nên nghề nghiệp
cho tôi, hướng tôi đến với nghệ thuật bằng sự chân thành. Vì hơn bất cứ điều
gì, cải lương không thể thiếu tri thức”.
Trích nld.com.vn
Thanh Hiệp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét